Để đáp ứng nhu cầu đổi mới trong việc dạy và học đặc biệt là việc giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước; lòng tự hào, tự tôn dân tộc, biết phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông ngày 16/9/2022 vừa qua trường THCS Đà Nẵng đã tổ chức chuyến tham quan thực tế “Hành trình về nguồn” tại khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc và Di tích lịch sử Bến Nghiêng.
Tham gia hành trình có các đồng chí giáo viên đại diện BGH nhà trường, đại diện Công đoàn, giáo viên khối trưởng các khối 6,7,8,9, BCH Chi đoàn giáo viên cùng Ban Đại diện Hội Cha mẹ học sinh và 84 học sinh tiêu biểu đến từ 42 Chi đội.
Điểm đến đầu tiên là khu di tích tưởng niệm Vương triều nhà Mạc thuộc xã Ngũ Đoan – huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Nơi đây gắn liến với một thời kì lịch sử phong kiến đầy thăng trầm và biến động nhưng cũng hết sức tự hào của dân tộc Việt Nam. Tại đây học sinh được làm lễ dâng hương tưởng niệm các bậc tiên vương họ Mạc, được nghe điển tích dòng họ Mạc trong hành trình kế ngai vàng – trị quốc cũng như những đóng góp lớn lao của các đời vua Mạc đặc biệt là vua Mạc Đăng Dung trong thời gian trị vì. Qua đó học sinh hiểu được vai trò và vị trí quan trọng của Vương triều nhà Mạc trong lịch sử dân tộc ta. Điều đặc biệt đến khu di tích học sinh được tham quan, chiêm ngưỡng các bảo vật trưng bày tại khuôn viên đầy thú vị.
Điểm đến tiếp theo của chương trình là Di tích lịch sử Bến Nghiêng – nơi những tên lính Pháp cuối cùng lên tàu về nước sau tất bại tại chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, nơi đây còn là điểm xuất phát của những Đoàn tàu Không số chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Nhà trường đã dâng hương tại tượng đài kỷ niệm di tích đường Hồ Chí Minh trên biển. Trước tượng đài anh linh tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, các cán bộ chiến sĩ và nhân dân đã anh dũng chiến đấu hi sinh trong quá trình vận chuyển vũ khí và và lương thực chi viện cho miền Nam làm nên con đường Hồ Chí Minh trên biển “Một con đường không dấu, tàu số, trí hiếu, trung, dũng”. Các anh đã đi xa nhưng tên tuổi, dấu ấn oanh liệt của các anh và con đường vẫn sống mãi với thời gian, trường tồn cùng dân tộc, mãi mãi lưu truyền trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Đến nơi đây học sinh được tìm hiểu về lịch sử. Tại Bến K15, ngày 11/10/1962, một con tàu gỗ thực hiện “chuyến hàng” đầu tiên, chở 30 tấn vũ khí, sau 5 ngày trên biển đã đến căn cứ Vàm Lũng (Rạch Gốc – Cà Mau) an toàn. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng bởi nó đánh dấu khả năng thiết lập một con đường vận tải chiến lược trên biển để nối liền hai miền Nam Bắc là hoàn toàn có thể. Bến K15 vì thế đã trở thành nơi xuất phát đầu tiên và chủ yếu của “Đoàn tàu Không số”. Cũng từ đó, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, quân và dân có thêm đường mòn Hồ Chí Minh trên biển để thực hiện nhiệm vụ “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Di tích bến tàu K15 hùng dũng, uy nghiêm chính là biểu tượng anh hùng, ca ngợi lòng quả cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc của cán bộ chiến sỹ trên những con tàu không số năm xưa. Năm 2008, bến tàu K15, điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trong chuyến trải nghiệm các em học sinh được tham gia chương trình Teambuilding trên bãi biển – với các thử thách, gameshow hấp dẫn đòi hỏi sự kết nối của sức mạnh tập thể. Không những vậy các em còn được thi tìm hiểu thêm về lịch sử quê hương qua các trò chơi đố vui có thưởng trên xe. Đây là cơ hội cho các em học sinh được tự học, tự làm việc với tài liệu, được làm việc nhóm và được trình bày quan điểm, nhận thức học tập của mình. Một không khí gần gũi, cởi mở tràn ngập trong ánh mắt vui tươi, hồ hởi, tiếng cười ròn rã của các em học sinh sau chuyến học tập trải nghiệm.
“Hành trình về nguồn” – chương trình hoạt động trải nghiệm ý nghĩa đầy thiết thực nhằm giáo dục, tuyên truyền cho học sinh về lòng tự hào dân tộc, về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Từ đó hoạt động đã khơi dậy cho học sinh lòng yêu tổ quốc, ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa và rèn luyện tinh thần đoàn kết, hợp tác, tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
PHỤ LỤC
Phần 1: Công tác chuẩn bị
Phần 2: Hoạt động trên xe
Phân 3: Học tập, trải nghiệm tại Đền nhà Mạc (Kiến Thụy)
Phần 4: Học tập, trải nghiệm tại Bến tàu Không số (Đỗ Sơn)
Phần 5: Giải lao
Phần 6: Chương trình Teambuilding